DYNO là gì? Kiến thức chung về DYNO mà có thể bạn quan tâm !

  1. Máy Dyno là gì?
  • Dyno là một hệ thống mô phỏng môi trường giả lập để một động cơ (hoặc một chiếc xe) có thể hoạt động giống như ở thực tế, bao gồm giả lập tải (có thể là quả lô, phanh từ, thủy lực…), giả lập môi trường như gió, độ ẩm, giả lập đường xá như đường thẳng, đường dốc… Tât cả những yếu tố này giúp chiếc xe có thể vận hành trong phòng Dyno mà giống như chạy ngoài đường.
  • Các loại máy Dyno: Tùy theo chức năng và mục đích sử dụng, Dyno được chia thành 2 loại cơ bản là Dyno Engine và Dyno Chassis. Cụ thể như sau:

Dyno Engine là loại trục khuỷu của động cơ được nối trực tiếp với Dyno, không qua cơ cấu truyền động (như hộp số, ly hợp, nhông đĩa…). Loại này thường được sử dụng với mục đích nghiên cứu chuyên sâu như nhà máy sản xuất, các đội đua… ít thấy trong thực tế.

Dyno chassis là loại mà một chiếc xe hoàn chỉnh được đặt lên máy Dyno, trong đó bánh sau của xe sẽ đè lên quả lô. Lực máy được truyền qua hộp số, ly hợp, nhông đĩa, lốp… xuống quả lô. Đây chính là hành động mô phỏng lại việc chiếc xe đang hoạt động ở thực tế. Đây là loại Dyno phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất (và cũng là loại Dyno bài viết này đề cập đến).

DYNO CHASSIS

Là loại mà một chiếc xe hoàn chỉnh được đặt lên máy Dyno

2. Chức năng của Dyno: Tùy theo mục đích sử dụng, Dyno có những chức năng chính như sau

  • Đo công suất: Có thể hiểu Dyno là một máy đo, có khả năng đo công suất của của xe (cụ thể là máy) như công suất (thường tính theo đơn vị Hp – Horse Power), mô men xoắn (thường tính theo đơn vị N.m – Newtonmet). Đồng thời hiển thị các thông số này theo dạng biểu đồ giúp các kĩ thuật viên chuẩn đoán, đánh giá tình trạng xe. (khái niệm này có thể được gọi là Test Dyno).
  • Canh chỉnh ECU (Tune ECU): Với một số xe đã thay đổi cấu hình, dẫn đến nguyên lý của xe đã thay đổi, cần chỉnh lại hệ thống điều khiển ECU tương thích với cấu hình mới. Dyno giúp giả lập môi trường chiếc xe giống như đang chạy ngoài đường, để các KTV căn chỉnh lại các thông số trên xe, ví dụ như tỉ lệ xăng gió (AFR), thông số góc đánh lửa … và rất nhiều thông số khác. (khái niệm này có thể được gọi là Tune Dyno).

Lưu ý rằng không nhầm lẫn khái niệm Test Dyno (đo, đánh giá, lấy công suất) và Tune Dyno (canh chỉnh thông số, hiệu chỉnh) với nhau.

  • Rodage xe mới trên Dyno: Đây là một khái niệm mới và lạ lẫm với nhiều người (chúng tôi sẽ viết riêng một bài chi tiết hơn về vấn đề này). Nghĩa là một chiếc xe mới, trước khi đưa vào vận hành bình thường cần trải qua quá trình Rodage (Rốt đa). Quá trình này thường khá mất thời gian, và để rút ngắn thời gian cũng như tối ưu hóa quá trình Rodage, có thể đưa xe lên Dyno để thực hiện.

Bài viết này chỉ đề cập đến Dyno cho Motor.

Bài viết chỉ nêu những kiến thức sơ lược nhất cho người mới tìm hiểu, các thông tin chi tiết hơn sẽ được cập nhật trong các bài viết tiếp theo.

Hiện không có nguồn tài liệu chính thống cho các vấn đề này. Thông tin trên bài viết được tổng hợp từ các nguồn trên Internet kết hợp với kinh nghiệm và trải nghiệm của chúng tôi. Rất mong nhận được những góp ý để hoàn thiện hơn.

Nguồn : Mr Đạt