Đã từ lâu mọi người đã quen với cụm từ “sửa chữa và bảo dưỡng” xe máy, tuy nhiên đây là 2 khái niệm khác nhau và rất dễ bị nhầm lẫn. Sửa chữa có thể coi là tình trạng nặng hơn, nghĩa là xe đã hư hỏng hoặc trục trặc và bắt buộc phải tiến hành sửa chữa hặc thay thế để có thể sử dụng tiếp. Trong bài viết này chúng tôi sẽ đề cập nhiều hơn đến khái niệm “bảo dưỡng định kì” theo đúng châm ngôn “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Định nghĩa khái niệm “Bảo dưỡng định kì: Bảo dưỡng xe máy là quá trình kiểm tra và bảo trì các bộ phận, linh kiện của xe máy để đảm bảo xe luôn hoạt động tốt và an toàn khi sử dụng. Bảo dưỡng xe máy giúp xe luôn hoạt động tốt, giảm thiểu sự cố hỏng hóc và kéo dài tuổi thọ của xe. Ngoài ra, việc bảo dưỡng xe máy cũng giúp người lái xe tiết kiệm chi phí bảo trì và sửa chữa, cũng như đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Do đó, việc bảo dưỡng xe máy là một việc cần thiết và quan trọng đối với bất kỳ người sử dụng xe máy nào.

Cơ sở các hạng mục bảo dưỡng định kì: Mỗi loại xe khác nhau, của các hãng sản xuất khác nhau sẽ có quy trình bảo dưỡng khác nhau. Khi mua một chiếc xe mới khách hàng luôn được tặng kèm một cuốn sách là “hướng dẫn sử dụng” (nếu không có hoặc thất lạc có thể dễ dàng tìm kiếm trên internet). Bất cứ cuốn sách nào cũng có một mục rất qan trọng là “lịch bảo dưỡng định kì”. Các khách hàng đa phần đều bỏ qua việc này dẫn đến không biết cần phải làm gì, khi nào làm? … Hình dưới đây là 1 ví dụ về lịch bảo dưỡng

Các hạng mục bảo dưỡng thường gặp: Như đã nếu trên, mỗi xe sẽ có lịch bảo dưỡng khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản đều có những điểm tương tự nhau. Dưới đây là các mục bảo dưỡng cơ bản để các bạn tham khảo:

  1. Thay dầu máy: Thay dầu định kỳ giúp bảo vệ động cơ khỏi ma sát và ổn định nhiệt độ. Thời gian thay dầu thường từ 1.000 đến 3.000 km tùy vào loại xe, điều kiện vận hành và loại dầu được sử dụng.
  2. Thay lọc gió: Lọc gió giúp loại bỏ các hạt bụi và cặn bẩn khỏi không khí vào động cơ. Thời gian thay lọc gió thường từ 1.500 – 2.000km hoặc 2 năm nếu ít đi.
  3. Hệ thống xích tải: vệ sinh, tra dầu dưỡng, tăng xích sau mỗi 500km.
  4. Thay bugi định kì: Thay thế định kì bugi từ 10.000 – 15.000km để đảm bảo hiệu suất đánh lửa.
  5. Kiểm tra, thay thế nước làm mát định kì (đối với xe có hệ thống tản nhiệt bằng nước).
  6. Kiểm tra và điều chỉnh lốp xe: Kiểm tra áp suất và độ mòn của lốp xe. Thời gian kiểm tra lốp xe thường là 2-4 tháng một lần.
  7. Kiểm tra và điều chỉnh phanh: Kiểm tra độ mòn của phanh, vệ sinh heo phanh, kiểm tra và thay dầu phanh định kì.
  8. Kiểm tra, vệ sinh, tra mỡ các ổ bi, phớt, trục bánh trước sau.
  9. Kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống cổ lái (hay còn gọi là cổ phốt).
  10. Bảo dưỡng thụt trước: thay dầu định kì hoặc thay cả phớt nếu cần.
  11. Vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống treo (hay còn gọi là Prolink, Linkage…) thường xuất hiện trên các xe mô tô phân khối lớn.

Kết luận: Một chiếc xe cần được quan tâm và bảo dưỡng định kì để xe luôn trong trạng thái hoàn hảo nhất, phục vụ tối đa cho khách hàng và hạn chế hỏng hóc trong tương lai. Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này chi tiết hơn trong các bài viết tiếp theo.

Xin cảm ơn!

Tác giả: Mr Đạt