Category Archives: Dyno Services

Bài độ Pô xăng lửa cơ bản cho WR155

Hiện này, WR155 là một chiếc xe cào cào cỡ nhỏ được yêu thích vì kiểu dáng đẹp, nhiều công nghệ. Tuy nhiên sức máy 155cc đôi lúc làm chúng ta nhàm chán nên một bài độ pô xăng lửa là rất phù hợp để làm mới chiếc xe. Đây là bài độ PXL cơ bản, chỉ gồm 3 món gồm có pô fullset, lọc gió giả zin KN và ECU độ kết hợp canh chỉnh xăng trên Dyno. Cụ thể như sau: Về pô không có ràng buộc, có thể sử dụng pô độ fullset, pô zin móc… miễn phù hợp với bài. Lưu ý nhỏ rằng cổ pô cần được hàn một ốc được gọi là ốc AFR giúp gắn cảm biến Oxy của Dyno trong quá trình canh chỉnh. Lọc gió trong bài này được sử dụng là loại giả zin, hàng chính hãng KN giúp cung cấp nhiều gió hơn, nhưng vẫn đảm bảo sạch sẽ, an toàn với nước vì lọc giả zin vẫn được lắp trong bầu lọc gió như zin. ECU được sử dụng của Redleo loại 155VVA, có thể gắn đúng vị trí như zin đảm bảo gọn gàng và chắc chắn. Một ưu điểm lớn của bài độ này là các thiết bị được lắp vào như zin, không cần chế cháo hay đục khoét gì cả. Đảm bảo gọn gàng, chắc chắn, thẩm mỹ. Sau khi lắp đặt và canh chỉnh trên Dyno, công suất chiếc xe đo được là 14Hp, cải thiện khoảng 2Hp so với xe zin (lưu ý con số Hp đo trên Dyno sẽ khác so với con số lý thuyết) Tác giả: Mr. Đạt 4 / 5 ( 1 bình chọn ) [...]

[Kiến thức chung] – Nâng cấp công suất

Vì một số lí do nhất định, nâng cấp công suất là một trải nghiệm thú vị vì đơn giản xe zin không thể có. Nâng cấp công suất (hay còn gọi là độ máy) là một công việc có tính chuyên sâu cao. Mọi thay đổi nhằm tăng công suất xe lên cao hơn trên nền tảng cục máy nguyên bản. Đem đến trải nghiệm thú vị, thậm chí là gây nghiện. Hiện này có rất nhiều cách (hay còn gọi là bài) nâng cấp công suất, tuy nhiên để đơn giản mình sẽ chia thành 2 nhóm sau: Nâng cấp không can thiệp vào cục máy và có can thiệp vào cục máy, cụ thể như sau: 1. Nâng cấp không can thiệp vào máy. Có nhiều thuật ngữ cũng như nhiều bài nhỏ trong cách làm này, tuy nhiên mình sẽ gộp chung các bài này chung vào một tên gọi là pô – xăng – lửa (PXL). Đây là bài nâng cấp điển hình cho các khách hàng không muốn đụng chạm tới cục máy, giữ được tính nguyên bản của máy, chi phí rẻ, dễ làm và dễ dàng về zin khi cần thiết. Hiệu quả nâng cấp của bài này khoảng 10-30% công suất tùy vào dòng xe, lượng đồ, chất đồ … Một bài PXL điển hình tối thiểu cần có những yếu tố sau: Pô độ: đặc điểm chung là thoáng hơn pô zin. Pô ở đây được hiểu là bao gồm cả cổ pô là lon pô. Pô có dạng điển hình là pô êm (thường là pô zin móc) và pô nổ (pô tăng). Lọc gió độ: thường có kết cấu dạng vải tẩm dầu, giúp tăng lượng gió vào xe. Lọc gió độ có 2 dạng cơ bản là lọc trụ và lọc giả zin. Trong đó lọc trụ là loại cấp được nhiều gió nhất. ECU độ hoặc tương tự: Hiện nay đa phần các xe đều sử dụng hệ thống phun xăng điện tử FI. Về nguyên lý khi đã thay đổi pô và lọc gió, lượng gió vào xe sẽ nhiều hơn, dẫn đến cần điều chỉnh lại lượng xăng cũng nhiều hơn. Để làm được việc đó cần có phương án canh chỉnh (tune) được lượng xăng (hay còn gọi là tỉ lê xăng gió AFR). Có nhiều cách để canh chỉnh xăng như điều chỉnh trực tiếp trên ECU zin, lắp đặt bộ Piggy back hoặc sử dụng ECU độ. Ngoài ra sẽ có một số thành phần khác có thể thêm hoặc không tùy trường hợp. Ví dụ như họng gió độ, kim phun lớn, mô bin sườn…) Một phiên bản “lớn” hơn một chút so với bài PXL nêu trên là bài PXL rớt nắp, nghĩa là phải tháo nắp đầu bò để thực hiện một số thay đổi lớn hơn như móc hút xả, thả cam, thay lò xo đầu… Tuy nhiên bài này là có can thiệp đến máy nên mình không nêu chi tiết ở đây. 2. Nâng cấp có can thiệp vào máy. Để có những trải nghiệm khác biệt hoàn toàn về cả công suất lẫn đặc tính của xe, cần can thiệp sâu hơn vào cục máy. Bài nâng cấp này có thể tăng công suất máy lên đến 50-300% hoặc lớn hơn nữa !!! Tương tự với bài PXL, bài nâng cấp máy (hay độ máy) cũng sẽ có 1 số thành phần điển hình như pô độ, lọc gió độ, ECU độ… nhưng sẽ khác khá nhiều ở các chi tiết cơ khí, liên quan đến cục máy. Cụ thể như sau: Biên, tay biên: Tay biên thường được thay những loại cứng hơn để đáp ứng được cục máy mới. Điển hình như tay biên thép nén hoặc tay CNC. Đặc biệt tay biên có loại dài hơn tay zin để tăng dung tích xy lanh, còn được gọi là biên +. Cây biên zin có thể được thay tay hoặc thay cả cây biên độ luôn. Xy lanh, piston (hay còn gọi là lòng trái): lòng trái lớn hơn để tăng dung tích xy lanh. Trong đó trái thường được dùng trái đầu cao để tăng tỉ số nén (hoặc thay đổi tỉ số nén theo yêu cầu). Đầu bò, xupap: Đầu bò có thể dùng đầu zin móc hút xả hoặc đầu độ có đường hút xả lớn. Đồng thời tăng kích thước xupap. Cam độ, lò xo đầu: Cam độ thường có gối cam to hơn, góc đóng mở lớn hơn để tăng hòa khí vào buồng đốt. Lò xo đầu độ giúp xe chạy ở tua cao hơn. Ngoài ra sẽ cần rất nhiều thành phần phụ khác như kim phun lớn, họng gió lớn, bơm nhớt độ, bộ côn độ… nhằm đáp ứng được với cấu hình này. Hy vọng sau bài viết này, các bạn sẽ nắm bắt được cơ bản về khái niệm nâng cấp công suất. Các bài viết chi tiết hơn sẽ được cập nhật tiếp theo. Tác giả: Mr Đạt Đánh giá [...]

[Nâng cấp công suất] – Bài độ Pô xăng lửa điển hình cho Kawasaki KLX250

Xét về nhu cầu tăng công suất thì xe nào cũng có, xe zin đi mãi cũng quen xe và dần nhàm chán. Thiệt thòi cho các xe cào cào nói chung là phương án nâng cấp cho các xe này không nhiều. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và thực nghiệm, chúng tôi giới thiệu đến khách hàng bài nâng cấp Pô xăng lửa (PXL) cho xe KLX250 (có thể tương tự cho 1 số xe khác). Tổng quan của bài nâng cấp này gồm có lọc trụ KN, co gió tăng áp KSPP, Pô độ, bộ hỗ trợ canh chỉnh xăng Shift Pro và cuối cùng là căn chỉnh trên Dyno. Cụ thể như sau: Lọc gió KN mã KA-1287, đây là lọc gió chính hãng của KN sử dụng chung cho khá nhiều xe của Kawa như KLX, KDX, KX… (Cụ thể tham khảo https://www.knfilters.com/ka-1287-replacement-air-filter). Lưu ý nên sử dụng lọc KN chính hãng để tăng lưu lượng gió vào, những vẫn đảm bảo lọc bụi sạch sẽ nhờ công nghệ tẩm dầu đặc biệt. Pô độ: Không có ràng buộc về pô, có thể sử dụng pô êm như pô zin móc hoặc các set pô độ có sẵn trên thị trường. Lưu ý phải hàn thêm một ốc gọi là ốc sensor ARF trên cổ pô, dùng để gắn cảm biến AFR của Dyno khi canh chỉnh. Có gió tăng áp: Đây là một công nghệ mới của Thái Lan. Thay thế hoàn toàn cho ống cao su nối từ bầu lọc gió đến họng ga. Co gió gồm 2 bộ phận chính là loa kèn và thân co gió. Phần loa kèn được gắn vào bên trong bầu lọc, đón gió nạp và đưa vào họng ga thông qua thân co gió. Hai bộ phận này được tính toán, thiết kế nhằm cải thiện tốc độ phản hồi ống ga ở tua giữa, tăng 1 phần công suất. Bộ hỗ trợ canh chỉnh Shift Pro: Về mặt nguyên tắc sau khi thay đổi cấu hình phần cứng (như lọc, pô nêu trên), đặc tính xe sẽ thay đổi. Do đó cần có giải pháp căn chỉnh lại lượng xăng cho xe. Ở đây mình dùng bộ Shift Pro từ Thái Lan. Thiết kế Plug and Play, đấu nối đơn giản. Kết nối với App trên điện thoại (free), qua bluetooth. Dyno: Cuối cùng sau khi setup xong tất cả, xe sẽ được cho lên máy Dyno để canh chỉnh (tune), đồng thời test công suất (test hp) nhằm đánh giá hiệu quả của bài nâng cấp. Kết luận: Tính đến thời điểm hiện tại, đây là bài nâng cấp PXL rất hoàn chỉnh, tính hoàn thiện cao, chi phí hợp lý. Hiệu quả của bài nâng cấp dao động từ 2-3hp (với lốp bánh gai), là con số rất lí tưởng. Đủ để các bạn cảm nhận sự khác biệt. Đặc biệt bài PXL cũng là lành nhất trong các bài nâng cấp vì không đụng chạm cơ khí đến cục máy, dễ dàng về zin khi cần thiết bằng cách tháo hết đồ nâng cấp ra và lắp lại đồ zin. Tác giả: Mr Đạt Đánh giá [...]

[Kiến thức chung] – Tỉ lệ xăng gió AFR – Hệ quả khó lường của việc thay pô, lọc gió… trên xe FI

Giới thiệu sơ bộ về AFR, các ảnh hưởng của AFR đến xe! Các nguyên nhân thường gặp dẫn tới sai AFR (bài viết tập trung đến xe cục máy ZIN).1. AFR là gì: AFR là viết tắt của cụm từ “Air Fuel Ratio” tạm dịch là tỉ lệ xăng gió. Như chúng ta thường biết để một chiếc xe vận hành được thì nguồn gốc sản sinh ra năng lượng chính là nhiệt độ khi hỗn hợp xăng và gió được đốt cháy trong buồng đốt. Theo quan điểm của hóa học thì để phản ứng giữa 2 chất hóa học với nhau xảy ra tối ưu thì tỉ lệ giữa 2 chất phải là phù hợp (kiểu như “cân băng hóa học” – công việc làm mệt mỏi bao nhiêu sĩ tử thời còn đi học! Tương tự ở đây, để hỗn hợp xăng gió được đốt cháy tối ưu thì tỉ lệ xăng gió (AFR) cũng phải phù hợp, một trong 2 yếu tố trên thừa hoặc thiếu đều không tốt.2. AFR đối với xe phun xăng điện tử (FI).Hiện nay đa phần xe trên thị trường đều được trang bị hệ thống phun xăng điện tử vì tính ưu việt của nó. Về bản chất, đầu não của hệ thống này chính là bộ điều khiển trung tâm (ECU). ECU được nhà máy “lập trình”sẵn một bản đồ xăng (tạm gọi là MAP), ECU sẽ liên tục kiểm tra trạng thái của xe (cụ thể là cảm biến ống ga TPS) để biết bơm lượng xăng bao nhiêu cho phù hợp. Mục đích của quá trình này là đảm bảo AFR luôn nằm trong ngưỡng phù hợp với cấu hình xe. Hình dưới đây là ví dụ đường AFR chuẩn khi tỉ lệ xăng gió phù hợp. 3. Các nguyên nhân thường gặp gây sai khác AFR, hệ quả đối với xe máy ZIN: Bỏ qua các vấn đề hỏng hóc, lỗi của xe, nguyên nhân thường gặp nhất là thay pô và lọc gió; tại sao vậy? Pô và gió là 2 thành phần liên quan mật thiết đến lượng gió vào và ra của một động cơ bất kì. Với cấu hình xe zin, lọc gió và pô zin cho phép một lượng gió vào buồng đốt phù hợp với lượng xăng phun ra đã được lập trình bởi nhà máy (bản đồ MAP zin). Tuy nhiên khi thay pô và lọc thường dẫn đến lượng gió vào buồng đốt quá nhiều, dẫn đến sai tỉ lệ AFR. Hình dưới là ví dụ về biểu đồ AFR đo được của một chiếc xe ZIN nhưng đã thay bô lớn và lọc gió thoáng. Dẫn đến đường AFR không ổn định, khúc thừa khúc thiếu xăng. Đặc biệt ở vòng tua cao, chiếc xe trở nên thiếu xăng trầm trọng dẫn đến nóng máy, suy giảm tuổi thọ cục máy… Hình ảnh là buồng đốt của một động cơ xe zin nhưng đã thay bô thoáng và lọc trụ. Dấu hiệu sai tỉ lệ AFR: bằng cảm nhận, chiếc xe vận hành không mượt mà và êm ái, thi thoảng có dấu hiệu bị hụp, tiếng pô không đều kèm theo tiếng lụp bụp, xe hao xăng, máy nóng… 4. Cách khắc phục:– Sai ở đâu thì sửa ở đấy, tỉ lệ AFR sai thì canh chỉnh lại cho đúng! có nhiều phương pháp để chuẩn hóa lại AFR nhưng nói chung là cần điều chỉnh lại (Tune) bản đồ xăng gió (MAP), để AFR luôn trong ngưỡng tối ưu cho máy.Kết luận cho các bạn ngại đọc dài: Tỉ lệ xăng gió là vấn đề cực kì quan trọng, đảm bảo vận hành và tuổi thọ của động cơ. Nguyên nhân thường gặp đối với xe Zin là thay pô thoáng, lọc… dù vô tình hay cố ý thì hậu quả vẫn xảy ra. Nhẹ thì hụp máy, tốn xăng; nặng thì quá nhiệt gây bó máy, suy giảm tuổi thọ và hỏng máy… Với trường hợp thay pô và lọc thoáng, trước khi thay cần có phương án điều chỉnh tỉ lệ AFR phù hợp với cấu hình thay đổi. Đây là vấn đề thường gặp mà một số biker vẫn nghĩ rằng dân chơi xe độ mới gặp phải! Điều này hoàn toàn không đúng, AFR sẽ sai ngay cả khi bạn thay đổi một cây pô, một chiếc lọc… trên một chiếc xe zin. 5 / 5 ( 1 bình chọn ) [...]

[Kiến thức chung] – Hệ thống máy Dyno

DYNO là gì? Kiến thức chung về DYNO mà có thể bạn quan tâm ! Máy Dyno là gì? Dyno là một hệ thống mô phỏng môi trường giả lập để một động cơ (hoặc một chiếc xe) có thể hoạt động giống như ở thực tế, bao gồm giả lập tải (có thể là quả lô, phanh từ, thủy lực…), giả lập môi trường như gió, độ ẩm, giả lập đường xá như đường thẳng, đường dốc… Tât cả những yếu tố này giúp chiếc xe có thể vận hành trong phòng Dyno mà giống như chạy ngoài đường. Các loại máy Dyno: Tùy theo chức năng và mục đích sử dụng, Dyno được chia thành 2 loại cơ bản là Dyno Engine và Dyno Chassis. Cụ thể như sau: Dyno Engine là loại trục khuỷu của động cơ được nối trực tiếp với Dyno, không qua cơ cấu truyền động (như hộp số, ly hợp, nhông đĩa…). Loại này thường được sử dụng với mục đích nghiên cứu chuyên sâu như nhà máy sản xuất, các đội đua… ít thấy trong thực tế. Dyno chassis là loại mà một chiếc xe hoàn chỉnh được đặt lên máy Dyno, trong đó bánh sau của xe sẽ đè lên quả lô. Lực máy được truyền qua hộp số, ly hợp, nhông đĩa, lốp… xuống quả lô. Đây chính là hành động mô phỏng lại việc chiếc xe đang hoạt động ở thực tế. Đây là loại Dyno phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất (và cũng là loại Dyno bài viết này đề cập đến). DYNO CHASSIS Là loại mà một chiếc xe hoàn chỉnh được đặt lên máy Dyno 2. Chức năng của Dyno: Tùy theo mục đích sử dụng, Dyno có những chức năng chính như sau Đo công suất: Có thể hiểu Dyno là một máy đo, có khả năng đo công suất của của xe (cụ thể là máy) như công suất (thường tính theo đơn vị Hp – Horse Power), mô men xoắn (thường tính theo đơn vị N.m – Newtonmet). Đồng thời hiển thị các thông số này theo dạng biểu đồ giúp các kĩ thuật viên chuẩn đoán, đánh giá tình trạng xe. (khái niệm này có thể được gọi là Test Dyno). Canh chỉnh ECU (Tune ECU): Với một số xe đã thay đổi cấu hình, dẫn đến nguyên lý của xe đã thay đổi, cần chỉnh lại hệ thống điều khiển ECU tương thích với cấu hình mới. Dyno giúp giả lập môi trường chiếc xe giống như đang chạy ngoài đường, để các KTV căn chỉnh lại các thông số trên xe, ví dụ như tỉ lệ xăng gió (AFR), thông số góc đánh lửa … và rất nhiều thông số khác. (khái niệm này có thể được gọi là Tune Dyno). Lưu ý rằng không nhầm lẫn khái niệm Test Dyno (đo, đánh giá, lấy công suất) và Tune Dyno (canh chỉnh thông số, hiệu chỉnh) với nhau. Rodage xe mới trên Dyno: Đây là một khái niệm mới và lạ lẫm với nhiều người (chúng tôi sẽ viết riêng một bài chi tiết hơn về vấn đề này). Nghĩa là một chiếc xe mới, trước khi đưa vào vận hành bình thường cần trải qua quá trình Rodage (Rốt đa). Quá trình này thường khá mất thời gian, và để rút ngắn thời gian cũng như tối ưu hóa quá trình Rodage, có thể đưa xe lên Dyno để thực hiện. Bài viết này chỉ đề cập đến Dyno cho Motor. Bài viết chỉ nêu những kiến thức sơ lược nhất cho người mới tìm hiểu, các thông tin chi tiết hơn sẽ được cập nhật trong các bài viết tiếp theo. Hiện không có nguồn tài liệu chính thống cho các vấn đề này. Thông tin trên bài viết được tổng hợp từ các nguồn trên Internet kết hợp với kinh nghiệm và trải nghiệm của chúng tôi. Rất mong nhận được những góp ý để hoàn thiện hơn. Nguồn : Mr Đạt Đánh giá [...]